Nhận định Trần_Nghệ_Tông

Trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên nhận định về Trần Nghệ Tông như sau:

Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài,[12] sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm, có một [Trần] Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho người họ ngoại,[13] khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ, thực là "đằng trước có kẻ siểm nịnh mà không thấy, đàng sau có giặc cướp mà không hay".

Sách "Đại Việt Sử ký Toàn thư" cũng có lời bàn về vua Trần Nghệ Tông:[1]

Vua dẹp yên được tai nạn bên trong, khôi phục được cơ đồ to lớn. Công nghiệp lớn lao, sáng lòa vũ trụ. Song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ, bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn, rồi đến diệt vong.

Trần Trọng Kim phê phán Nghệ Tông trong Việt Nam sử lược:

Cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua (Dụ Tông và) Nghệ Tông... Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.

— Trần Trọng Kim[14]

Nghệ Tông vốn tin tưởng và gửi gắm cơ nghiệp vào Duệ Tông mạnh mẽ, vậy mà khi Duệ Tông chết, những kẻ có trách nhiệm trực tiếp, trong đó có Quy Ly, lại không hề hấn gì. Đáng ngạc nhiên hơn, chính Quý Ly bất tài chống giặc lại được thay thế vai trò rường cột của Duệ Tông trong triều. Nghệ Tông từng thương Duệ Tông đến mức khi em chết bèn lập cháu lên thay; nhưng sau chỉ vì lời xúi bẩy của Quý Ly mà giết cả cháu; hẳn khi đó trong lòng Nghệ Tông không còn tưởng nhớ em trai của mình nữa.

Những Hoàng đế vì ham sắc đẹp, yêu thương phi tần mà phế bỏ hoặc giết con lớn trong lịch sử không hiếm và hành động đó không có gì khó hiểu. Lê Quý Ly có thể gièm pha để giết tướng Nguyễn Đa Phương vì đố kỵ ganh ghét cũng không có gì là khó hiểu. Nhưng khi Nghệ Tông tin theo lời một đại thần họ ngoại mà giết tông thất, giết cháu ruột rồi giết cả con ruột thì lòng tin đã đến mức u mê.[15]

Nhiều việc làm của Nghệ Tông không khác gì dọn đường cho Quý Ly cướp ngôi con cháu mình. Trần Nghệ Tông, vị quân chủ vừa có công khôi phục nhà Trần từ tay Dương Nhật Lễ trên danh nghĩa, lại vừa có tội làm mất nhà Trần trên thực tế.